Cách chăm sóc trẻ tại nhà trong mùa dịch Covid-19
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, các bậc cha mẹ cần lưu ý những biện pháp để bảo vệ, chăm sóc trẻ em một cách hiệu quả ngay tại nhà.
Trong bối cảnh chưa có vắc xin phòng Covid-19 dành cho trẻ em, các biện pháp toàn diện theo khuyến cáo “5K” của Bộ Y Tế cùng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh là giải pháp giúp bảo vệ trẻ nhỏ trước dịch bệnh.
Do đó, ba mẹ cần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho trẻ ngay tại nhà bằng cách thực hiện những những biện pháp phòng ngừa sau:
1. Đeo khẩu trang phòng bệnh
Đeo khẩu trang là một trong 3 biện pháp phòng ngừa, nên được phối hợp cùng với rửa tay và hạn chế tiếp xúc. Cha mẹ đặc biệt không được tái sử dụng khẩu trang y tế cho trẻ.

Đối với trẻ sử dụng khẩu trang vải: hãy che mũi và miệng để hạn chế nguy cơ tiếp xúc với virus. Dưới đây là hướng dẫn đeo khẩu trang vải đúng cách cho trẻ:
- Kéo khẩu trang vải che kín cả mũi lẫn miệng.
- Trong quá trình đeo khẩu trang, tránh không dùng tay chạm vào bề mặt khẩu trang
- Khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào phần dây đeo qua tai để tháo khẩu trang, tránh dùng tay cầm vào bề mặt khẩu trang để tháo ra
- Giặt sạch khẩu trang hàng ngày bằng xà phòng để dùng lại cho lần sau.
Cha mẹ cần tuân thủ và hướng dẫn trẻ tuân thủ việc đeo khẩu trang đúng quy định. Đối với những trường hợp trẻ nhỏ hoặc trẻ gặp các vấn đề về hô hấp, bệnh lý dẫn đến việc không thể đeo khẩu trang, người thân xung quanh cần tuân thủ việc đeo khẩu trang.
2. Hạn chế để trẻ tiếp xúc nơi đông người
Trẻ em là đối tượng nhạy cảm, vì thế khi thấy có người bị sốt, ho, phụ huynh cần cho trẻ tránh tiếp xúc. Ngoài ra, trẻ cũng cần tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…

Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ đến nơi tập trung đông người. Những hành động như nắm tay, ôm ấp, hôn… có thể khiến trẻ dính các giọt bắn nước bọt từ người mang mầm bệnh, dù họ chưa có biểu hiện phát bệnh như ho, sốt. Trong trường hợp bắt buộc phải đi đến các nơi tập trung đông người, cha mẹ cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 cho trẻ.
3. Cẩn trọng khi ho
Cha mẹ và gia đình cần hướng dẫn trẻ cách che miệng và mũi khi ho, hắt hơi: hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ. Tuyệt đối không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh cho trẻ tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã.

4. Vệ sinh cá nhân, mũi họng
Ba mẹ cần thường xuyên rửa tay cho bé bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng để phòng bệnh. Đối với những trẻ lớn hơn, ba mẹ cần tạo cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khi bàn tay có vết bẩn. Thời gian mỗi lần rửa tay 30 giây dưới vòi nước sạch.
Ngoài ra, cha mẹ nên cho bé súc miệng bằng nước muối hoặc các loại nước súc miệng chuyên dùng để làm sạch cổ họng.
5. Giữ ấm cơ thể
Cha mẹ nên chủ động thực hiện hoặc hướng dẫn con các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như: Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
6. Lau chùi nơi ở sạch sẽ, thoáng mát
Trẻ có thể bị lây nhiễm Covid-19 thông qua các giọt bắn, qua các mầm bệnh tồn tại trong môi trường, trên các bề mặt mà trẻ vô tình tiếp xúc, sau đó xâm nhập vào cơ thể do thói quen hay mút tay, dụi mắt mũi…

Do đó, để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm và chăm sóc trẻ em tốt hơn, ba mẹ cần lau chùi thường xuyên nơi ở, sinh hoạt của các bé, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của bé. Những nơi có nhiều người chạm vào như tay nắm cửa, nên dùng chất cồn hoặc dung dịch kháng khuẩn để loại bỏ tối đa các loại virus, vi khuẩn bám vào.
Việc xây dựng cho trẻ các thói quen tốt như: không bò lê trên mặt sàn, không đưa tay lên mắt, mũi miệng… cũng là những biện pháp góp phần bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch bệnh.
7. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
- Cho trẻ uống đủ nước
- Bổ sung các thực phẩm giàu protein: trứng, thịt, cá,… để tăng sức đề kháng cho trẻ.
- Tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc,… không chỉ cung cấp đầy đủ chất kẽm cho cơ thể mà còn giúp tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ chống lại những vi rút gây bệnh.
- Bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ.
- Bảo đảm đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi.
- Cung cấp đủ lượng sữa và nước cho trẻ: Giúp thanh lọc, giải độc và mang lại cho bé cảm giác dễ chịu hơn.
- Ba mẹ cũng cần tập cho bé một lối sống lành mạnh: đảm bảo cho bé ngủ đủ giấc, đúng giờ; rèn luyện cơ thể thường xuyên; tắm nắng để hấp thụ vitamin D,…

Đối với các bé lớn có khả năng ăn thô tốt, phụ huynh nên chế biến đa dạng, thay đổi và quan trọng là đầy đủ dinh dưỡng, thức ăn ở dạng mềm, được cắt nhỏ và phù hợp với khẩu vị của bé nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng.
Đối với các trẻ lớn, khi chế biến món ăn nên có chút gia vị: Những loại gia vị như tỏi, gừng, nghệ, hành, không chỉ làm dậy mùi món ăn và các loại rau thơm nhiều tinh dầu (bạc hà, kinh giới, tía tô…) trong các bữa ăn hàng ngày còn có tính kháng khuẩn cao.
8. Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch
Tiêm chủng các mũi vắc-xin theo quy định vẫn rất cần thiết để góp phần hoàn thiện hệ miễn dịch của trẻ, là công cụ an toàn, hiệu quả, cứu trẻ em khỏi một số căn bệnh chết người. Một số cha mẹ chủ động tránh đưa con đến các cơ sở y tế do lo sợ lây virus Covid-19 cho bản thân và các bé. Tuy nhiên, việc bỏ lỡ các cột mốc quan trọng trong lịch tiêm phòng ở thời điểm mấu chốt này có thể đe dọa đến sức khỏe của trẻ.

Khi trẻ có các triệu chứng sốt, ho, khó thở hoặc có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh… gia đình cần thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên. Trước khi đến nhớ gọi điện thoại thông báo biểu hiện bệnh và tiền sử tiếp xúc, đi lại với cơ sở y tế để được hỗ trợ tốt nhất.
Hy vọng với những lời khuyên trên, các bậc phụ huynh có thể giữ sức khỏe cho trẻ an toàn, vượt qua giai đoạn dịch bệnh phức tạp này.
Xem thêm thông tin khuyến cáo của WHO dành cho bà mẹ và trẻ em tại: https://www.facebook.com/media/set/?vanity=WHOVietnam&set=a.5760583093984373